Trang chủ / Ngành nghề / Sư phạm - quản lý giáo dục / Kỹ năng cần thiết đối với giáo viên

Kỹ năng cần thiết đối với giáo viên

Thế giới nghề nghiệp đa dạng và phong phú hiện nay đòi hỏi con người phải có sự thích nghi cao nhất với nghề nghiệp. Nghề dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý, đòi hỏi người làm nghề cần phải rèn luyện những kỹ năng, kỹ xảo trong nghề. Vậy đâu là những kỹ năng cần thiết đối với người làm nghề dạy học? Hướng Nghiệp Học Đường sẽ giới thiệu đến quý thầy cô và bạn đọc một số kỹ năng cơ bản của người giáo viên.
Một là: Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tự học, tự nghiên cứu.
– Việt Nam hội nhập và phát triển với thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của thế giới đã đưa nhân loại sang một trang mới đặc biệt là vai trò của giáo dục với sự phát triển của con người. Người giáo viên phải liên tục cập nhật những thông tin tri thức để phục vụ cho công tác chuyên môn. Công tác tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được xác định là nhiệm vụ gắn bó suốt cả cuộc đời của người làm nghề dạy học.
– Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tự học, tự bồi dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi giáo viên. Công nghệ thông tin giúp cho giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn mà công nghệ thông tin mang lại trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thì còn những mặt trái mà người giáo viên cần phải sửa chữa, khắc phục và loại bỏ những thói quen trong sử dụng đó là: Phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ thông tin (nghiện geme, mạng xã hội; sống ảo, bắt chước, sao chép rập khuôn kiến thức có sẵn làm kiến thức của mình…)
Hai là: Kỹ năng giải quyết vấn đề và hợp tác trong dạy học
– Kỹ năng giải quyết vấn đề là một kỹ năng thiết yếu rất cần được người giáo viên tự trau dồi và rèn luyện. Vấn đề cần giải quyết của người giáo viên được thể hiện ở hai lĩnh vực trong nhà trường và ngoài xã hội. Ở lĩnh vực trong nhà trường là việc đưa kiến thức ở bài học thành những vấn đề trong cuộc sống của người học. Vấn đề ngoài xã hội là việc nâng cao tri thức, ứng dụng những kỹ năng thiết yếu từ nhà trường vào cuộc sống của người học.
– Kỹ năng hợp tác trong dạy học được đặc biệt chú trọng với người làm công tác giáo dục. Bởi vì, hoạt động hợp tác giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh; hoặc là sự hợp tác giữa các nền giáo dục trên thế giới đã mang lại những thành công, tiến bộ vượt bậc cho cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội.
Ba là: Kỹ năng sư phạm trong hoạt động dạy học
Đây là kỹ năng quan trọng nhất với người làm nghề dạy học. Bởi vì, hoạt động dạy học là hoạt động tương tác của giáo viên và học sinh. Người thầy phải cung cấp thông tin, vấn đề và các liệu pháp tâm lý đến người học nhằm mục đích biến đổi tích cực tâm lý của người học.
– Kỹ năng sư phạm thể hiện ở sự khéo léo trong dạy học và trong quan hệ của giáo viên và học sinh. Giáo viên vừa là người thầy, vừa là cha mẹ, anh chị nhưng cũng đồng thời vừa là người bạn của học sinh. Học sinh có sự chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, vốn sống từ người thầy, cô giáo. Bên cạnh đó sự thay đổi về tâm sinh lí, môi trường xã hội của người học cũng có tác động tiêu cực đến học sinh. Đòi hỏi người thầy phải khéo léo trong việc nắm bắt tâm lý người học để từ đó có thể đưa ra những giải pháp hợp lí nhất cho hoạt động sư phạm.
Bốn là: Kỹ năng quan sát, đánh giá,  xác định nhu cầu, mục tiêu người học.
– Người giáo viên phải rèn luyện năng lực quan sát học sinh trong hoạt động dạy học. Năng lực quan sát chi tiết cụ thể và diễn ra trong một thời gian dài. Từ sự kiên trì quan sát học sinh trong học tập và các hoạt động đã giúp cho giáo viên có khả năng đánh giá chính xác, khách quan học sinh trong hoạt động dạy học.
– Để xác định được nhu cầu của người học thì rất cần người thầy biết gần gũi, lắng nghe, biết hiểu được tâm tư nguyện vọng của người học. Người dạy phải đánh giá được năng lực của người học và qua đó có phương thức hữu hiệu nhất trong hoạt động dạy học.
– Mục tiêu của người học là nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng và trau dồi năng lực xã hội. Kiến thức của người học được nâng dần từ thấp lên cao, được mở rộng từ gia đình, nhà trường, xã hội. Kỹ năng của người học được hoàn thiện trong quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Năm là: Kỹ năng giao tiếp ứng xử trong và ngoài nhà trường.
– Người thầy, cô giáo phải luôn nỗ lực rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử trong và ngoài nhà trường. Ở trong nhà trường thể hiện ở hai khía cạnh là với đồng nghiệp và học sinh. Khi sử dụng đầy đủ các chuẩn mực trong giao tiếp sẽ có được sự tôn trong cùa đồng nghiệp và học sinh.
– Ở ngoài xã hội, là mối quan hệ giữa phụ huynh với thầy cô. Giữa cộng đồng dân cư nơi cư trú cũng như giữa con người với con người. Cho dù ở những mối quan hệ nào đi nữa người giáo viên luôn giữ được những chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử thì sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của học trò cũng như của xã hội.
Tóm lại: Hoạt động dạy học là một nghệ thuật, người thầy cô giáo cần rèn luyện rất nhiều những kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ cho hoạt động dạy học. Trong khuôn khổ bài viết này Hướng Nghiệp Học Đường xin đề cập đến những kỹ năng cần thiết đối với giáo viên. Rất mong được sự góp ý của các thầy cô và độc giả. Trân trọng cảm ơn

Về Hướng Nghiệp Học Đường

Liên quan

Đại học sư phạm

Chuyên ngành đào tạo của trường Đại học Sư phạm hiện nay

Hướng nghiệp học đường xin giới thiệu cùng các em học sinh đang có nhu ...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.