Trắc nghiệm thần kinh khí chất cho học sinh THPT
Thực hiện tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp Thanh Hoá
BƯỚC 1: Kiểm tra tính trung thực :
Bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
C1. Có phải khi hứa một điều gì, bạn có luôn giữ lời hứa không ?
C2. Bạn có cho rằng tất cả thói quen của mình đều tốt và hợp với mong muốn của mình hay không ?
C3. Nếu không kiểm tra vé thì bạn có chịu mua vé xe buýt không hoặc nếu không có cảnh sát giao thông thì bạn có vượt đèn đỏ không ?
C4. Thình thoảng bạn có nổi nóng, tức giận phải không?
C5. Bạn thường có những ý nghĩ mà muốn giấu không cho người khác biết phải không ?
C6. Đôi khi bạn cũng hay thêu dệt chuyện phải không?
C7. Bạn có hay đến chỗ làm, chỗ hẹn muộn không ?
C8. Trong số người quen, có ai bạn không ưa thích một cách công khai không ?
C9. Bạn thường vội vã nói về điều mà mình chưa hiểu kĩ phải không ?
Câu hỏi nào đúng với bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) câu nào sai thì đánh dấu trừ ( – ).
C1 | C2 | C3 | C4 | C5 | C6 | C7 | C8 | C9 | Điểm A |
Điểm đối chiếu: Đối với các câu: C1, C2, C3 bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) thì mỗi dấu + sẽ tính là 1 điểm. Đối với các câu C4, C5, C6, C7, C8, C9,bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu trừ ( – ) thì mỗi dấu – sẽ tính là 1 điểm. Sau đó ta cộng tổng số điểm xem kết quả được bao nhiêu điểmví dụ bạn được [A] điểm. Điều kiện: nếu [A] dưới 5 thì tiếp BƯỚC 2. Nhưng nếu [A] nhiều hơn 5 (A>5) thì có nghĩa là bạn đang trả lời không trung thực với bản thân => Quay lại BƯỚC 1, làm lại cho đến khi [A] dưới 5.
BƯỚC 2: Trắc nghiệm khí chất :
- Bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
C1. Bạn có thường xuyên bị lôi cuốn vào những ấn tượng mới mẻ hoặc đi tìm nguồn cảm xúc mạnh mẽ để giải buồn và làm cho mình phấn chấn lên không ?
C2. Bạn luôn là người vô tư, không bận tâm đến chuyện nhỏ nhặt phải không ?
C3. Bạn có thường nói năng, hành động một cách bộc phát, vội vàng thiếu suy nghĩ thấu đáo không ?
C4. Bạn là người không bao giờ phải lúng túng, ấp úng, mà luôn sẵn sàng đối đáp với mọi nhận xét hay bất chấp tất cả để tranh cãi đến cùng ?
C5. Bạn có hành động một cách bồng bột , nông nổi hay không ?
C6. Bạn có thích thường xuyên có mặt trong nhóm, hội bạn của mình không ?
C7. Lúc người ta quát bạn thì bạn cũng sẽ quát lại phải không ?
C8. Bạn có khả năng làm chủ được tình cảm của mình và hoàn toàn vui vẻ trong các buổi họp mặt phải không ?
C9. Những người xung quanh có nhận xét bạn là người vui vẻ, hoạt bát không ?
C10. Bạn có thích những công việc phải làm gấp không ?
C11. Có đúng bạn là người thích trò chuyện đến mức không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với người không quen biết không ?
C12. Bạn có cảm thấy bất hạnh nếu trong một thời gian dài không được tiếp xúc rộng rãi với mọi người không ?
C13. Bạn có cho mình là người hoàn toàn tự tin không ?
C14. Bạn có phải là người có khả năng làm cho nhóm bạn của mình đang buồn chán trở nên sôi nổi,vui vẻ được không?
C15. Bạn là người thích trêu chọc người khác phải không?
Câu hỏi nào đúng với bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) câu nào sai thì đánh dấu trừ ( – ).
C1 | C2 | C3 | C4 | C5 | C6 | C7 | C8 | C9 | C10 | C11 | C12 | C13 | C14 | C15 | ĐiểmA1 |
Điểm đối chiếu:
Đối với các câu: C1, C2, C3, C4, C5, C6, C7, C8, C9, C10, C11, C12, C13, C14, C15 bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) thì mỗi dấu + sẽ tính là 1 điểm. Sau đó ta cộng tổng số điểm xem kết quả được bao nhiêu điểm [A1].
- Bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
C1. Bạn có thường cân nhắc, suy tính trước khi hành động không ?
C2. Bạn thích đọc sách hơn là trò chuyện với người khác phải không ?
C3. Bạn có thích “thà là ít bạn nhưng là bạn thân” không ?
C4. Trong đám đông bạn vẫn thường im lặng phải không ?
C5. Nếu bạn muốn biết một điều gì đó thì thà tìm trong sách chứ không thích hỏi người khác phải không ?
C6. Bạn có thích những công việc đòi hỏi sự chú ý thường xuyên không ?
C7. Bạn có thấy khó chịu khi sống trong 1 tập thể mà mọi người hay giễu cợt nhau không?
C8. Bạn là người đi đứng ung dung thong thả phải không ?
C9. Bạn cho rằng khó có niềm vui trong buổi liên hoan phải không ?
Câu hỏi nào đúng với bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) câu nào sai thì đánh dấu trừ ( – ).
C1 | C2 | C3 | C4 | C5 | C6 | C7 | C8 | C9 | Điểm A2 |
Điểm đối chiếu:
Đối với các câu: C1, C2, C3, C4, C5, C6, C7, C8, C9 bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu trừ ( – ) thì mỗi dấu – sẽ tính là 1 điểm. Sau đó ta cộng tổng số điểm xem kết quả được bao nhiêu điểm [A2].
Thang đánh giá: Điểm A1 + A2 = B
Điểm [B]: Hướng nội <——————— (< 12 điểm <) ——————–> Hướng ngoại
- Bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
C1. Bạn có thường xuyên cảm thấy cần có những người tâm đầu ý hợp để động viên và an ủi mình không?
C2. Bạn cảm thấy thường rất khó khăn khi phải từ bỏ một nhu cầu hay sở thích của mình phải không ?
C3. Bạn là người thường xuyên thay đổi tâm trạng: lúc vui, lúc buồn phải không ?
C4. Có khi nào bạn cảm thấy mình là người bất hạnh mà không có nguyên nhân rõ ràng không ?
C5. Bạn có cảm thấy rụt rè, ngại ngùng hi phải bắt chuyện với một người khác giới dễ mến chưa quen biết hay không?
C6. Bạn có thường ân hận khi nói hay làm việc lẽ ra không nên nói hay làm như vậy hay không ?
C7. Ban có dễ phật ý không ? (dễ làm người khác phật lòng hoặc bị người khác làm phật lòng?)
C8. Đôi khi bạn là người đầy nhiệt tình với công việc, nhưng cũng có những lúc hoàn toàn chán chường, uể oải phải không ?
C9. Bạn có hay mơ ước hay không ?
C10. Bạn có cảm thấy day dứt mỗi khi mắc sai lầm không ?
C11. Bạn có cho mình là người nhạy cảm và dễ hưng phấn không ?
C12. Sau khi làm xong một công việc quan trọng nào đó, bạn có cảm thấy mình lẽ ra có thể làm việc đó một cách tốt hơn không ?
C13. Bạn thường không ngủ được vì có những ý nghĩ lộn xộn trong đầu không?
C14. Có bao giờ bạn hồi hộp không?
C15. Ban có hay run sợ không?
C16. Bạn có hay bực tức không ?
C17. Bạn có hay hồi hộp trước một sự kiện quan trọng sắp diễn ra không ?
C18. Bạn có thường gặp những cơn ác mộng không ?
C19. Bạn có thể gọi mình là người dễ xúc động,dễ phản ứng không ?
C20. Bạn có dễ phật ý khi mọi người chỉ ra những lỗi lầm trong công viêc cũng như những thiếu sót riêng tư không ?
C21. Cảm giác thua kém hơn người khác có làm cho bạn khó chịu không ?
C22. Bạn có lo lắng cho sức khoẻ của mình không ?
C23. Bạn có bị mất ngủ không ?
C24. Có nỗi đau nào làm bạn lo lắng không ?
Câu hỏi nào đúng với bản thân thì bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) câu nào sai thì đánh dấu trừ ( – ).
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 25 | 24 | Điểm |
Điểm đối chiếu:
Đối với các câu: C1, C2, C3, C4, C5, C6, C7, C8, C9, C10, C11, C12, C13, C14, C15, C16, C17, C18, C19, C20, C21, C22, C23, C24, bản thân bạn lựa chọn đánh dấu cộng ( + ) thì mỗi dấu + sẽ tính là 1 điểm. Sau đó ta cộng tổng số điểm xem kết quả được bao nhiêu điểm [C].
Thang đánh giá:
Điểm [C]: Phản ứng chậm <—————— (< 12 điểm <) —————> Phản ứng nhanh
Căn cứ vào số điểm [B] và [C] để xem bạn thuộc khí chất nào:
Ngoại + Nhanh = Khí chất Sôi nổi
Ngoại + Chậm = Khí chất Linh hoạt
Nội + Nhanh = Khí chất Điềm tĩnh
Nội + Chậm = Khí chất Ưu tư
Khí chất với hoạt động chọn nghề hướng nghiệp của học sinh THPT
Trong công tác hướng nghiệp chọn nghề tương lai cho học sinh ở bậc THPT người giáo viên hướng nghiệp cần phải định hướng cho học sinh xác định cho bản thân các em thuộc nhóm khí chất nào trong các nhóm khí chất cơ bản để từ đó có những định hướng đúng đắn cho việc lựa chọn tương lai của các em.
Thời Cổ đại ở Hy Lạp nhà triết học Hipôcrat đã nghiên cứu, tìm hiểu và phân thành bốn loại tính khí: Tính khí sôi nổi, tính khí ưu tư, tính khí linh hoạt và tính khí điềm tĩnh.
Thời Hiện đại nhà sinh học và tâm lý học người Nga I.M.Xechênôp đã đưa ra tư tưởng về tính phản xạ tâm lý và sự điều chỉnh tâm lý của hoạt động năm 1863. Tư tưởng này đã được nhà sinh lý học I.P. Páplốp phát triển trong xây dựng học thuyết về hoạt động thần kinh cấp cao và đã đưa ra những giải thích khoa học về bản chất của khí chất. Páplốp cũng phân ra 4 loại của hệ thần kinh, trên cơ sở các dạng thần kinh này có bốn loại khí chất tương ứng (sôi nổi, linh hoạt, ưu tư và điềm tĩnh).
Từ những nghiên cứu trên chúng ta có thể thấy điểm tương đồng về các dạng thần kinh của con người tương ứng với những loại khí chất cơ bản đó là:
Thứ nhất : Khí chất sôi nổi.
Thứ hai : Khí chất linh hoạt.
Thứ ba : Khí chất điềm tĩnh.
Thứ tư : Khí chất ưu tư.
Đặc điểm của từng loại khí chất biểu hiện ở con người như sau:
Thứ nhất: Khí chất sôi nổi.
Đặc điểm sinh lý: Hệ thần kinh có cường độ mạnh nhưng không cân bằng, hoạt động cao, hưng phấn mạnh hơn ức chế .
Ưu điểm: Loại người này có sức mạnh, có năng lực, có khả năng làm việc cao và hoạt động trên phạm vi lớn, phản ứng nhanh, hăng hái, sôi nổi, nhiệt tình, nghĩ gì nói đó, say mê công việc, có nghị lực, có thể dùng nhiệt tình của mình để lôi cuốn người khác.
Hạn chế: Kiểu người này nếu không được lợi ích tương xứng thì dễ trở nên khó tính và hay cáu gắt, cục cằn, dễ bị kích động, kiềm chế kém, hấp tấp, dễ vô tổ chức, tình cảm hay thay đổi.
Thứ hai: Khí chất linh hoạt.
Đặc điểm sinh lý: Có cường độ thần kinh mạnh, hai quá trình hưng phấn và ức chế đều cân bằng. Là loại người linh hoạt năng động, có tư duy lạc quan, yêu đời. Có khả năng làm việc tốt, có hiệu quả cao khi công việc hấp dẫn và thích thú đối với họ.
– Ưu điểm: Người linh hoạt nhanh chóng hoà nhập với mọi người hoạt bát, vui vẻ, yêu đời, dễ gần – dễ giao tiếp, ham hiểu biết, nhận thức nhanh lẹ, hướng ngoại, cởi mở, dễ thích nghi với môi trường mới.
– Hạn chế: Thiếu sâu sắc, thiếu kiên định, hấp tấp, làm việc tùy hứng, dễ nản, nhận thức nhanh nhưng hay quên, không làm được các việc thầm lặng, tỉ mỉ, thích ba hoa, dễ hình thành tình cảm nhưng cũng mau tan.Người có tính khí này không thích các công việc đơn điệu và thường hiếu danh.
Thứ ba: Khí chất điềm tĩnh.
Đặc điểm sinh lý: Có cường độ thần kinh mạnh, quá trình hưng phấn và ức chế bằng nhau, giống như người linh hoạt. Điểm khác của người điềm tĩnh với người linh hoạt là hai quá trình thần kinh trên ít năng động, tức là có sức ỳ lớn.
– Ưu điểm: ngăn nắp, chu đáo, có trách nhiệm, sâu sắc, chính chắn, luôn bình tĩnh. Đã quyết định rồi thì làm đến cùng do vậy có chút ngoan cố, bảo thủ. Là người suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thâm thúy. Nhớ rất lâu. Là con người điềm đạm, chậm rãi, chắc chắn, không vội vàng. Là người không hứa ngay bao giờ mà đã hứa là làm đến cùng. Nhìn bề ngoài người này thì dễ hiểu nhầm là không nhiệt tình. Tình cảm tương đối ổn định.
Khi tham gia vào công việc nào đó thì cần phải có thời gian chuẩn bị, chứ không thể bắt tay làm việc được ngay. Họ thường là người chung thuỷ với bạn bè, rất ít thay đổi các thói quen của mình.
Hạn chế: Họ sống không sôi động và không phản ứng mạnh trước những sự kiện của cuộc sống, ít giao tiếp, sức ỳ tư duy cao, thích nghi với môi trường mới chậm. Hay do dự, không quyết đoán. Khó hình thành tình cảm. Trong ứng xử họ điềm đạm, thận trọng không bị xao nhãng bởi những chuyện nhỏ nhặt. Người điềm tĩnh khó thay đổi từ loại công việc này sang loại công việc khác. Không ít người có tính khí loại này là những người thụ động.
Thứ tư: Khí chất ưu tư.
Đặc điểm sinh lý: có cường độ thần kinh yếu, cả hưng phấn và ức chế đều yếu, rất khó quen và khó thích nghi với những biến đổi của môi trường, sức chịu đựng yếu, dễ bị dao động
Ưu điểm: Là người cần mẫn, cẩn thận, kiên trì, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện quen thuộc. Có trí tưởng tượng phong phú, hay mơ mộng, dịu dàng, tế nhị, nhạy cảm, suy nghĩ sâu sắc, tình cảm bền vững.
Hạn chế: Người ưu tư thường nhút nhát, rụt rè, thầm lặng, ít cởi mở, phản ứng chậm – không năng động,, dễ bi quan, đa sầu, đa cảm khó thích nghi với môi trường mới, mất bình tĩnh trong những cuộc gặp gỡ mới với người xa lạ. Họ là người không thích giao tiếp, sống thiên về những cảm xúc nội tâm kéo dài.. Rất dễ ốm đau khi điều kiện sống thay đổi. Có khi không tin vào cái gì cả, không hy vọng vào điều gì, chỉ nhìn thấy những điều nguy hiểm hoặc ít tốt lành trong công việc.
Tóm lại: Khí chất của con người chỉ mang ý nghĩa tham khảo, bởi trong cuộc sống mỗi cá nhân phải có sự vận động phát triển và hoàn thiện bản thân mình.