Hướng nghiệp học đường có đôi lời tâm sự với những người trong nghề dạy học :
Tháng 11 lại đến, là thời điểm để chúng ta những người học sinh, sinh viên tri ân thầy cô dạy dỗ mình nên người. Công lao của các thầy cô không thể đo đếm hết được. Sự thành công của mỗi người mai sau là sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi của gia đình, thầy cô và bản thân mỗi người. Người thầy cô âm thầm nâng bước để chúng ta trưởng thành. Nhưng trong cuộc sống này vẫn còn những mặt trái khiến cho hình ảnh người thầy cô trở nên bình thường trong con mắt của một số người. Chúng ta cùng nhìn lại thực trạng vì đâu nên nỗi như vậy.
Với một số người, họ đánh đồng những người thầy cô giáo là những người thợ dạy, bởi theo họ thầy cô dạy vì mục tiêu đồng tiền, dạy thêm học thêm tràn lan, thu nhiều khoản thu vô tội vạ. Đạo đức xuống cấp, khi thấy một số thầy cô vướng vào những rắc rối về mặt pháp luật và đạo đức xã hội. Với những vấn đề này chúng ta cùng xem xét một các cụ thể bởi với những thầy cô làm trong nghề có phải ai cũng ép buộc học sinh phải học thêm đâu? Chỉ có những môn học chính như Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ … học sinh mới có nhu cầu học thêm và cũng chỉ có ở thành phố, thị xã khu vực đồng bằng mới có nhu cầu này. Còn ở những nơi vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn thì thầy cô còn kiêm luôn vai trò của nhà thuyết pháp khi đến tận các hộ gia đình để vận động con trẻ đến trường. Có những thầy cô còn nhường cơm sẻ áo cho học trò và thậm chí họ còn phải chịu đựng khó khăn gian khổ, hi sinh cả tính mạng của mình để mang tới cho học sinh nguồn tri thức làm thay đổi cuộc đời, thay đổi tương lai cho các em. Vậy những người như vậy họ là ai? Họ mãi là những người thầy trong tâm hồn người học qua các thế hệ.