Nói đến ngành Luật các em học sinh ở bậc học THPT phải hiểu đây là một khái niệm rộng bao hàm các phạm trù của các nhóm ngành Luật cụ thể như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, Luật Quốc tế, Quản trị Luật … Việc làm trong ngành Luật bao gồm những công việc sau: Thẩm phán, Kiểm soát viên, Luật sư, Công chứng viên, Chấp hành viên, Chuyên viên pháp lý, Cố vấn pháp lý,
- Một số nhóm ngành Luật:
* Ngành Luật dân sự: Trang bị những kiến thức về chuyên ngành như: Hợp đồng Dân sự, Hợp đồng lao động, Thừa kế, tố tụng dân sự, luật hôn nhân gia đình, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp . . . Nơi làm việc: Công ty tư vấn pháp luật, Toà dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng, Sở tư pháp, Công an, Trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình, các đơn vị kinh doanh bất động sản, bộ phận pháp luật ở ngân hàng hoặc trở thành luật sư chuyên về dân sự như trang chấp nợ, đất đai, tranh chấp tài sản, hôn nhân gia đình…
* Ngành Luật hình sự: Nơi làm việc: Toà án, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng, Sở Tư pháp, Công an, Trung tâm hỗ trợ pháp lý, Chi cục phòng chống tệ nạn hoặc trở thành luật sư, chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực hình sự. …
* Ngành Luật hành chính: Trang bị những kiến thức về lý luận Nhà nước và pháp luật, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, khoa học quản lý nhà nước và điều hành công sở, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo … Nơi làm việc: Toà hành chính, Viện kiểm sát nhân dân, Hải quan, thuế, cửa khẩu, sân bay. chuyên viên Ủy ban nhân dân phường xã, quận, huyện hoặc cấp tỉnh, hoặc trở thành luật sư chuyên về lĩnh vực hành chính hoặc làm việc ở các công ty tư vấn pháp luật
* Ngành Luật thương mại: Trang bị những kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, đất đai và môi trường. Nơi làm việc: Toà án kinh tế, Viên Kiểm sát, Sở Thương mại, Cục hải quan, Sở kế hoạch – Đầu tư, Ủy ban Nhân dân, Phòng Kinh tế, Phòng thuế cán bộ tư vấn pháp luật, cán bộ kinh doanh trong các cơ quan kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, …Hoặc trở thành luật sư chuyên về lĩnh vực kinh tế thương mại.
* Ngành Luật kinh doanh: Trang bị những kiến thức kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.Có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các Toà kinh tế thuộc hệ thống Toà án nhân dân, các Trung tâm trọng tài thương mại, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý
* Ngành Luật quốc tế: Trang bị những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, về kỹ năng lựa chọn và vận dụng pháp luật của các quốc gia, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài… Nơi làm việc: Bộ, Sở Tư Pháp, cơ quan ngoại giao, Sứ quán Việt Nam tại nước ngoài; hoặc các công ty nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan quốc tế, các công ty tư vấn pháp luật.
* Ngành Quản trị – luật: Trang bị những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. Có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn kinh doanh..
2. Một số nghề nghiệp trong ngành Luật
Thẩm phán: làm việc tại tòa án, xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.
Kiểm soát viên: làm việc tại Viện Kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vai trò của kiểm sát viên thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực tội phạm hình sự. Kiểm sát viên có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm. Tại phiên tòa xét xử án hình sự, kiểm sát viên làm rõ các hành vi phạm tội (buộc tội) và đề xuất hình phạt thích hợp. Còn trong phiên tòa xét xử các loại án khác, kiểm sát viên có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của mọi người, kể cả thẩm phán.
Luật sư: hành nghề tự do, không thuộc biên chế, không được Nhà nước trả lương, thu nhập từ các khoản thù lao do khách hàng trả. Để hành nghề, luật sư có thể thành lập các văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh. Luật sư có nhiệm vụ: Bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại toà án trong các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng.
Công chứng viên: làm việc tại các phòng công chứng. Xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch trong xã hội, chữ ký của cá nhân, công chứng các bản sao từ nguyên gốc (bản chính), các bản dịch từ tiếng nước ngoài v.v…
Chấp hành viên: làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự. Khi toà án đã ra phán quyết mà một hoặc nhiều bên liên quan không chịu chấp hành, chấp hành viên (bằng các hình thức mà Nhà nước cho phép) buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
– Chuyên viên pháp lý: có bằng cử nhân luật, tham gia các công việc liên quan đến luật pháp tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức v.v…
– Cố vấn pháp lý: cố vấn cho ban lãnh đạo cơ quan về các vấn đề chính sách, pháp luật.
– Giáo viên, giảng viên luật: giỏi chuyên môn luật và có khả năng về sư phạm, giảng viên luật tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên môn giáo dục công dân tại các trường phổ thông trung học.
– Cán bộ nghiên cứu pháp luật: nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến luật pháp, giúp những người xây dựng pháp luật có thể viết được các đạo luật hay, phù hợp; giúp những người thi hành pháp luật áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt.
– Điều tra viên: công tác trong cơ quan công an, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để khám phá ra những tình tiết của các vụ án hình sự.
– Thư kí toà án: giúp thẩm phán những công việc cần thiết trong việc xét xử các vụ án.
– Thẩm tra viên: làm việc tại các toà án nhân dân tối cao, chuyên nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã được xét xử, đề xuất với lãnh đạo xem xét lại các bản án của toà án cấp dưới. Để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên thì phải trải qua khoá đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp với thời gian quy định khác nhau cho từng chức danh. Không phải học Luật ra là làm tòa án, viện kiểm sát mà có thể công tác trong ngành công an. Nếu không thích làm việc trong các cơ quan nhà nước, có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, làm nhà báo…
1 bình luận
Bình luận Bạn có tố chất cần thiết để theo học ngành luật?