Hướng nghiệp học đường giới thiệu: Những điều cần biết với học sinh THPT khi chuẩn bị đi du học
Du học ở nước ngoài là giấc mơ của rất nhiều học sinh ở bậc THPT, hằng năm có rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn con đường đi du học ở nước ngoài. Điểm đến lí tưởng của các em là các nước như: Hoa Kỳ, Anh, Singapore, Australia … Có rất nhiều du học sinh đã chọn con đường lập nghiệp ở nước ngoài và đã thành công. Sự thành công của các em là sự khẳng định mạnh mẽ về những thế hệ người Việt vươn lên sánh bước với các dân tộc trên thế giới.Để chuẩn bị cho việc du học của mình các em cần biết một số điều sau:
Thứ nhất: Phải lựa chọn nơi đến du học
Lựa chọn điểm đến du học là điều vô cùng quan trọng với du học sinh, bởi vì trước khi đến du học người học cần phải tìm hiểu về ngôn ngữ, phong tục, sinh hoạt văn hoá, điều kiện sống, học tập ….
Thứ hai: Phải lựa chọn ngành học
Việc lựa chọn ngành học cũng rất quan trọng với các du học sinh bởi vì ngành học mà các em lựa chọn sẽ gắn bó với nghề nghiệp tương lai sau này.
Thứ ba: Phải chuẩn bị hồ sơ (thông thường gồm các loại )
+ Đơn xin đi học có thể theo mẫu hoặc không theo mẫu tuỳ theo từng trường và từng nước. Tuy nhiên đơn phải viết chính xác, rõ ràng, đầy đủ thông tin và không sai lỗi chính tả.
+ Học bạ THPT có công chứng được dịch ra ngôn ngữ của nước đến học.
+ Bảng điểm và giấy chứng nhận IELTS/TOEFL/SAT/GMAT.
+ Tài khoản ngân hàng.
+ Bài tự giới thiệu về bản thân.
+ Thư giới thiệu.
Thứ tư: Phải chuẩn bị tài chính
+ Mở một tài khoản tại ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế mang tên bạn với số tiền đủ chi phí cho năm học đầu tiên và mở tài khoản trước khi làm hồ sơ khoang 30 ngày.
+ Chi phí chủ yếu là: Học phí, Tài liệu học tập, Sinh hoạt phí (Phòng trọ, Ăn uống, Đi lại, Vui chơi giải trí)
Thứ năm: Phải xin Visa nước sở tại
+ Liên hệ với Đại sứ quán nước sở tại để xin mẫu kê khai và lịch hẹn phỏng vấn.
+ Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết: Bản sao hộ chiếu. Giấy khai sinh, có công chứng và kèm bảng dịch. Hồ sơ học tập (Học bạ, bảng điểm, bằng cấp), có công chứng và bản dịch. Các giấy tờ khác tuỳ theo yêu cầu của khoá học và trường học.
+ Trả lời phỏng vấn của nhân viên Đại sứ quán nước sở tại để nhận Visa
Thứ sáu: Chuẩn bị đi du học
* Tham khảo các thủ tục giấy tờ, quy định liên quan đến hàng không, thủ tục hải quan, đồ dùng sinh hoạt …
* Chuẩn bị đồ dùng cần thiết:
+ Giấy tờ mang theo: Hộ chiếu (passport) và visa nhập cảnh của nước mình theo học. Thư mời nhập học (Offer letter), có thể kèm theo xác nhận đóng học phí cho trường. Bằng tốt nghiệp và học bạ/bảng điểm để làm thủ tục nhập học khi tới trường. Tùy vào yêu cầu của mỗi trường mà các bạn cần mang bản gốc hoặc bản sao. Photo, công chứng các loại giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu,…); lưu lại thông tin về hộ chiếu, visa, khóa học,…trong điện thoại/máy tính cá nhân để phòng những trường hợp cần thiết.
+ Đồ dùng học tập và sách vở mang theo: Máy ảnh, Laptop, Điện thoại di động, Sách chuyên ngành, Từ điển, Dụng cụ học tập, Balô, Máy tính cá nhân …
+ Quần áo, Đồ sinh hoạt cá nhân, Thuốc ( Đủ dùng cho 1 năm nếu bạn thường cần đến).
+ Tiền: Ở nước ngoài sử dụng tài khoản nhưng mang theo phòng khi đi đường và chi phí ban đầu. Không mang quá $7000 vì hải quan Việt Nam không cho phép.
+ Thức ăn mang theo những loại đồ được hải quan và hàng không nước sở tại cho phép.
Thứ bảy: Đi du học
+ Sắp đặt hành lý đến sân bay khai báo và làm thủ tục hải quan xuất cảnh
+ Làm thủ tục nhập cảnh, đi lấy hành lý và làm thủ tục hải quan nhập cảnh.
+ Khi làm thủ tục hải quan xong nên tìm Information/Welcome Desk ở đó sẽ có đại diện giúp đỡ.